Thông tin trên vừa được phóng viên Glenn Greenwald chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Nacion của Argentina. Trước đó ông Greenwald là người đầu tiên viết bài và đăng tải trên tờ Guardian về chương trình theo dõi điện thoại và thư điện tử của tình báo Mỹ.
Snowden trong lần lộ diện mới nhất hôm 12/7 |
“Snowden có đủ thông tin để chỉ trong vòng một phút có thể khiến chính phủ Mỹ chịu nhiều thiệt hại hơn bất kỳ ai khác từng tạo ra trong lịch sử nước này”, ông Greenwald khẳng định.
“Nhưng đó không phải mục tiêu của cậu ấy. Cậu ấy chỉ muốn phơi bày phần mềm mà mọi người khắp thế giới đang sử dụng nhưng không hề biết họ đang để lộ chính bản thân, dù không hề chấp thuận từ bỏ quyền riêng tư. Cậu ấy có một lượng khổng lồ các tài liệu rất có hại cho chính phủ Mỹ nếu chúng bị công khai”, phóng viên này nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm rằng Washington nên cẩn trọng trong khi đối phó với Snowden bởi cựu điệp viên này có thể khiến họ chịu thêm tổn thất.
“Chính phủ Mỹ nên quỳ gối mỗi ngày và cầu nguyện rằng không có gì xảy ra với Snowden, bởi nếu có chuyện gì xảy ra, tất cả những thông tin đó sẽ bị công bố và đó sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất”, phóng viên này tuyên bố.
Ông cho biết “điều quan trọng nhất (với Snowden) đó là không bị chính quyền Mỹ bắt giữ”, và ông miêu tả cách hành xử của Washington với người tiết lộ những bí mật không hay ho của họ là “không hề khoan dung”.
Khi được hỏi về việc liệu ông có tin rằng một số người có thể tìm cách hãm hại hoặc ám sát người tố cáo tình báo Mỹ, Greenwald cho biết Snowden “đã gửi đi hàng nghìn tài liệu và đảm bảo rằng một số người ở khắp thế giới có được toàn bộ số thông tin”, trong đó khẳng định rằng sẽ là tốt cho tất cả mọi người khi tìm cách ám sát.
“Nếu có điều gì đó xảy ra, toàn bộ thông tin sẽ bị tiết lộ và đó sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với nước Mỹ”, vị phóng viên nói.
Hiện công dân Mỹ 30 tuổi này đang bị giới chức Mỹ truy nã vì tội làm gián điệp sau khi tiết lộ các chương trình theo dõi của nước này.
Phóng viên Greenwald của tờ Guardian |
Hôm thứ Sáu vừa qua, Snowden đã lần đầu lộ diện sau 3 tuần ẩn náu tại sân bay ở Mátxcơva, để nói chuyện với các nhà hoạt hoạt động nhân quyền và khẳng định sẽ tạm thời xin tị nạn tại Nga. Tuy nhiên đến ngày hôm qua, cơ quan di cư của Nga vẫn chưa nhận được đơn của Snowden.
Theo ông Greenwald, mặc dù một vài quốc gia có sức mạnh hoặc thiện chí để ngăn cản Mỹ, “Nga là một trong những nước đó”. Phóng viên này cũng ngụ ý rằng những đợt tiết lộ tiếp theo là có thể xảy ra và có liên quan đến các nước Nam Mỹ, bao gồm các tài liệu cho thấy cách thức nước Mỹ thu thập thông tin, các chương trình được sử dụng cũng như số lượng vụ xâm nhập họ thực hiện mỗi ngày.
Hồi cuối tháng trước, một tài liệu được tờ Guardian đăng tải từng cho thấy 38 đại sứ quán và các lãnh sự nước ngoài tại Mỹ đã bị nghe lén và được miêu tả là “các mục tiêu” của chương trình theo dõi.
Trong một diễn biến khác, hãng tin AFP cho biết, Tổng thống Bolivia Evo Morales hôm qua đã cáo buộc Mỹ đột nhập vào tài khoản thư điện tử của nhiều quan chức cấp cao nước này. Đồng thời bản thân ông cũng đã quyết định chấm dứt sử dụng hòm thư điện tử do lo ngại bị Mỹ theo dõi.
“Các điệp viên tình báo Mỹ đã truy cập vào thư điện tử của các quan chức cấp cao nhất tại Bolivia. Tôi được khuyến cáo rằng không nên sử dụng thư điện tử và tôi đã làm theo, đóng tài khoản”, ông Morales tuyên bố trong buổi họp thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng ngoại giao Argentina Hector Timerman cũng khẳng định hơn 100 quan chức nước mình đã bị theo dõi điện tử từ một quốc gia mà ông không công bố tên.
Theo Nguyễn Tấn Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét