Sự kiện tác động đến cư dân mạng trên toàn cầu, ở những quan điểm và căn bản văn hóa khác biệt nhau, đang gây tranh cãi liên tục.
Thậm chí thủ tướng Anh cũng vừa nhảy vào cuộc và lên tiếng đúng kiểu của một người sử dụng mạng. Thủ tướng David Cameron nói trên trang của mình rằng những người đang chịu trách nhiệm với trang Facebook nên có một giải thích rõ ràng về quy chế này, đặc biệt khi những tác động tương lai từ Facebook có thể làm các bậc cha mẹ lo ngại, cũng như làm thương tổn tinh thần trong sáng của những người tham gia mạng xã hội này. Ông Cameron chơi chữ và mỉa mai, được nhiều nơi khoái chí đăng lại, là Facebook đang tự biến mình thành một “trang máu me” (gory face).
Sự kiện quan trọng làm bùng lên bão dư luận với Facebook là việc một thành viên đã cho đăng tải lại đoạn video mô tả một người đàn ông đeo mặt nạ và dùng dao chặt đầu một phụ nữ ở Mexico.
Thật lòng, Facebook không thể không phân vân vì số người la hoảng do sợ cũng đông, nhưng số người tò mò muốn xem, phản ứng về việc Facebook gỡ bỏ cũng không kém.
Thoạt tiên, ban quản trị đã hoảng hốt hạ video này xuống, nhưng rồi một cuộc tranh cãi kịch liệt đã xảy ra trong nội bộ của các nhóm quản trị mạng ở Menlo Park, California về quyền thông tin của mạng xã hội tương lai.
Cuối cùng thì bản video đó được khôi phục, Facebook đã chọn cách nới rộng quyền đăng tải, để có thể chạy đua kịp với sự chuyển động thông tin của thế giới bên ngoài.
Trả lời về quyết định này cũng như nói về quy chế mới của Facebook, người phát ngôn của Mark Zuckerberg tuyên bố rằng: “Facebook lâu nay vẫn là nơi người ta chia sẻ mọi thứ, từ việc bảo vệ nhân quyền, chống khủng bố, kỳ thị và các tình trạng bạo lực khác. Việc chúng tôi mở rộng các quyền đăng tải nhằm yểm trợ việc lên án các hành động đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề ra những chọn lựa để người dùng cân nhắc có muốn xem hay không. Với những nội dung chỉ có tính tiêu cực, chúng tôi sẽ có những cách hành động khác”.
Với suy nghĩ này của Facebook, có rất nhiều người vỗ tay ủng hộ nhưng cũng không ít người phản ứng. Thủ tướng Anh thì nói công ty Facebook là “vô trách nhiệm”, còn với ông John Carr – thành viên của Ủy ban Anh quốc về bảo vệ trẻ em trên Internet (UK Council on Child Internet Safety) – chỉ trích: “Chủ trương này sẽ làm nên những cơn ác mộng cho giới trẻ và những người nhạy cảm”.
Nhưng quan trọng hơn, các nhà phân tích nhận ra ngay rằng Facebook đang lúng túng chuyển đổi vị trí của mình từ một mạng xã hội khép kín thành một mạng truyền thông mở, trong một cái vươn vai mới với nhiều điều chưa hoàn chỉnh.
Hồi đầu năm, Facebook đã bị giới đồng tính phản ứng dữ dội khi tháo các hình ảnh về cặp hôn nhân đồng tính khác màu da, cũng như khóa tài khoản của một trang Fanpage kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng tính. Giới đồng tính rủ nhau hò hét đòi tẩy chay và kiện Mark ra tòa vì tội kỳ thị. Sau đó thành viên của các ban quản trị đã phải lên tiếng xin lỗi và khôi phục. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do dẫn đến việc Facebook quyết định mở rộng nhiều thứ hơn trong nội dung đăng tải của các thành viên.
Nhưng điều quan trọng nhất, để mở rộng không gian cho hơn 1 tỉ người trong triều đại của mình, Facebook cũng đang đau đầu cập nhật thêm các chi tiết, vì ở nhiều quốc gia khác nhau, tính chất của bản tin, hình ảnh hay video… có thể dẫn đến chuyện xung đột những giá trị văn hóa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến vận mệnh của toàn bộ hệ thống mạng xã hội này.
Đơn giản thôi, chẳng hạn chuyện ca sĩ Rihanna vừa chụp bộ ảnh mới với trang phục Hồi giáo đầy tính khiêu khích, có thể sẽ chẳng là gì ở Mỹ hay Anh, nhưng nếu được đăng tải lại tại Iran hay Afghanistan thì đó thật sự là một tai họa.
Theo Nguyễn Tấn Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét