Để tiết giảm chi phí, ông Hong Tianzhu, chủ một nhà máy dệt Trung Quốc đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Giá cổ phiếu công ty tăng vọt từ đó, đưa ông Hong trở thành một tỷ phú mới ở Trung Quốc.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, giá cổ phiếu của công ty Texhong Textile Group có trụ sở ở Thượng Hải đã tăng 445% trong 12 tháng qua. Nhờ vậy, giá trị tài sản ròng của người đồng sáng lập kiêm cổ đông lớn nhất của công ty là Hong Tianzhu lên mức 1 tỷ USD.
Năm nay 45 tuổi, ông Hong chưa xuất hiện trong bất kỳ xếp hạng tỷ phú nào. Ông sở hữu cổ phần 62% trong Texhong, công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Ông Hong Tianzhu, chủ nhà máy dệt Trung Quốc thành tỷ phú mới nhờ chuyển cơ sở sang Việt Nam. |
Các công ty dệt ở Trung Quốc, nước sử dụng và nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do chính sách thu mua bông trong nước của Chính phủ nước này, nhằm giúp nông dân trồng bông tránh khỏi tình trạng giá bông sụt giảm do nguồn cung toàn cầu dư thừa. Chính sách như vậy đã khiến giá bông ở Trung Quốc cao hơn giá bông ở Việt Nam khoảng 75%.
“Texhong đã đi rất sớm trong việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài, chủ yếu là ở Việt Nam. Điều này cho phép công ty tận dụng được chênh lệch giá bông, bằng cách mua bông ở Việt Nam và bán sản phẩm ở Trung Quốc”, nhà phân tích Dennis Lam thuộc công ty chứng khoán DBS Vickers Hong Kong nhận xét.
Thành lập năm 1997, Texhong có 11 nhà máy ở Trung Quốc và 4 nhà máy ở Việt Nam. Công ty này chuyên về các loại vải spandex dùng để may quần áo thể thao và đồ lót. Việt Nam hiện chiếm khoảng một nửa công suất của Texhong.
Theo tài liệu gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 12/8, lợi nhuận của Texhong đã tăng gấp 3 lần lên mức 73 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay. Doanh thu tăng 8,5%, lên mức 588,2 triệu USD. Công ty có hơn 1.600 khách hàng và đạt 83% doanh thu từ thị trường Trung Quốc. Texhong dự kiến sẽ xây dựng thêm nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay vào năm 2014 để giảm chi phí nguyên vật liệu thô, hưởng mức thuế quan có lợi hơn và các hàng rào thương mại khác thấp hơn.
Theo VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét